Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Cuộc trốn chạy khỏi Taliban của bé gái Pakistan

Để thoát khỏi tay Taliban và thực hiện ý nguyện trở thành vận động viên, Maria Toorpakai buộc phải đốt hết váy và cắt tóc ngắn giả làm con trai từ khi còn nhỏ.
cuoc-tron-chay-khoi-taliban-cua-be-gai-pakistan
Maria Toorpakai (ngoài cùng bên trái) giả trai để thực hiện ước mơ trở thành vận động viên. Ảnh: The New Day
Theo Mirror, nhìn ngọn lửa đang cháy rừng rực, Maria Toorpakai cầm kéo cắt phăng mái tóc dài, đen nhánh của mình. Trước đó vài phút, cô bé vơ hết tất cả váy áo đem đốt ở khu vườn sau nhà.
Trong trang phục của người anh trai, cô bé ném mớ tóc vào đống lửa.
Đó là một hành động quyết liệt đối với một bé gái còn rất nhỏ, nhưng sẽ dễ hiểu nếu bạn biết được số phận đang đón chờ các bé gái như Maria nơi cô sinh sống.
Maria sinh ra ở vùng South Waziristan, tây bắc Pakistan, quê hương của phiến quân Taliban. Vùng này giáp ranh với Afghanistan và được coi là "nơi nguy hiểm nhất trên thế giới". Ở đó, phụ nữ được coi là công dân hạng hai và các bé gái hiếm khi được ra khỏi nhà.
Nhờ vào hành động quyết liệt đó, Maria không chỉ thoát khỏi chế độ Taliban đã ám ảnh cô suốt thời thơ ấu mà còn trở thành một nữ anh hùng trong làng thể thao nước nhà.
"Ở quê hương tôi, phụ nữ hàng ngày phải nấu nướng và quét dọn. Bạn sẽ phải lặp đi lặp lại những việc như vậy từ sáng đến tối suốt 60 năm cuộc đời. Tôi không thể làm vậy. Tôi nhận ra điều đó kể từ khi còn nhỏ", Maria nói.
Trong suốt 10 năm kể từ khi lên 4, Maria đã cải trang làm con trai. Nhờ thế, cô bé có thể thoải mái chơi thể thao, điều mà các bé gái thuộc bộ tộc Pashtun không được phép làm.
Giờ đây, ở tuổi 25, cô trở thành vận động viên bóng quần đẳng cấp thế giới. Câu chuyện khó tin này được Maria kể lại trong cuốn sách của cô mang tên "A Different Kind of Daughter" (tạm dịch: "Con gái kiểu khác").
"Việc đạt đến đẳng cấp này trong thể thao đối với một cô gái là điều không thể, nhưng điều đó đã xảy ra", cô nói. "Các cô gái như tôi không được phép đi học. Tôi từng bị dọa giết và tấn công, nhưng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc".
Maria phải cảm ơn cha mình vì đã giúp cô thực hiện ước mơ. Ngày ấy, thay vì phạt cô vì tội đốt hết váy áo, ông ôm cậu con trai mới vào lòng và đặt cho "cậu" cái tên Genghis Khan, nghĩa là Thành Cát Tư Hãn, vị chiến binh Mông Cổ vĩ đại.
cuoc-tron-chay-khoi-taliban-cua-be-gai-pakistan-1
 Maria hiện là vận động viên bóng quần số 1 Pakistan và xếp hạng 48 trên thế giới. Ảnh: Rachel Kennedy.
Ông Shamsul Qayum là một trong số ít tộc trưởng tin vào quyền bình đẳng nam nữ, nhưng quan điểm của ông không được nhiều người tán thành. Gia đình Maria thường xuyên phải di chuyển để giúp cô bé cải trang dễ dàng hơn. Ngay từ nhỏ, Maria đã nổi tiếng là khỏe chẳng kém gì võ sĩ.
Cô từng bị khâu 13 mũi sau một vụ ẩu đả và hiện vẫn còn vết sẹo.
"Một thằng cu ném viên gạch rất to trúng đầu tôi. Khi đó, tôi đang ăn mặc giống con trai nên tôi phải chấp nhận bị đối xử theo kiểu con trai, nhưng thà chịu bị khâu còn hơn mai này phải sống kiếp sống của phụ nữ bị đè nén", cô nói.
Lo lắng cho "con trai", bố cô quyết định cho cô theo học lớp cử tạ để cô có thể phát huy hết thể lực của mình.
Năm 12 tuổi, Maria tham gia giải cử tạ trẻ và giành chiến thắng. Trong vòng vài tháng, cô leo lên vị trí thứ hai ở Pakistan.
Nhưng Maria sớm chán môn thể thao này. Sau khi nhìn thấy sân tập bóng quần gần nơi luyện tập, cô nài nỉ bố mình cho theo học trường đào tạo bóng quần ở Peshawar.
Một lần nữa, ông Shamsul buộc phải che giấu giới tính thực sự của cô bé khi vị giám đốc cơ sở đào tạo yêu cầu giấy khai sinh để làm thủ tục nhập học cho Maria.
May mắn thay, vị giám đốc này đồng ý giữ bí mật và chấp nhận cho Maria vào học với thân phận một cậu con trai. Thậm chí, ông còn tặng cho cô bé cây vợt có chữ ký của cựu vô địch thế giới Jonathon Power, người sau này trở thành huấn luyện viên của cô.
Tuy nhiên, hai tháng sau, bí mật bị lộ và Maria bị đối xử thậm tệ.
"Tôi thường xuyên bị tra tấn về tinh thần. Tôi bị cô lập hoàn toàn. Khi ở cùng những người khác, tôi lại bị bắt nạt và rất hoảng sợ", Maria kể lại.
"Thật bất ngờ khi thân phận của tôi bị lộ. Tôi không chỉ bị ngược đãi mà còn có thể bị cấm chơi môn thể thao mà tôi yêu thích".
Thế nhưng, sự cô lập chỉ khiến Maria càng quyết tâm hơn. Cô tiếp tục giành chiến thắng tại một số giải trẻ cấp quốc gia.
Bước sang tuổi 15, cô trở thành vận động viên chuyên nghiệp, và thành công của cô nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của Taliban.
"Tôi là một cô bé cùng bộ lạc và dòng máu với họ, thế mà tôi lại được chơi bóng quần. Với họ, đó là điều không thể chấp nhận được", Maria nói.
Gia đình cô bắt đầu sống trong sợ hãi khi nhận được liên tiếp các cú điện thoại và mẩu giấy để lại trên xe ô tô của bố cô.
"Họ nói rằng việc tôi đang làm trái với đạo Hồi và dọa rằng gia đình tôi sẽ phải gánh chịu hậu quả khôn lường nếu tôi còn tiếp tục", Maria nhớ lại. "Tôi cảm thấy lo sợ và có lỗi vì đã khiến gia đình rơi vào vòng nguy hiểm".
Để bảo vệ cô, người ta cho dựng các trạm kiểm soát an ninh quanh nhà cô và bố trí các tay súng bắn tỉa quanh trường nơi cô được huấn luyện.
Maria cho rằng nếu cô tiếp tục, Taliban có thể đánh bom sân tập và khiến nhiều người khác gặp nguy hiểm. Vì vậy, cô quyết định dừng lại.
"Đó là thời kỳ đen tối. Tôi bị xã hội ruồng bỏ, bị Taliban đe dọa và bị buộc phải từ bỏ môn thể thao mà tôi yêu thích. Dù tôi nỗ lực bao nhiêu, những gì mà tôi cố gắng đấu tranh để chống lại từ khi còn bé giờ sắp sửa xảy đến với tôi".
Nhưng Maria quyết không từ bỏ. Cô vẫn nỗ lực tập luyện 12 tiếng mỗi ngày một mình trong phòng ngủ.
cuoc-tron-chay-khoi-taliban-cua-be-gai-pakistan-2
Maria cùng vận động viên huyền thoại người Pakistan Qamar Zaman tại Thế vận hội Châu Á tổ chức tại Malaysia năm 2004. Ảnh: The New Day.
Suốt nhiều năm trời, Maria gửi hàng nghìn lá thư đến các trường đào tạo và câu lạc bộ bóng quần ở các nước phương Tây để có cơ hội tiếp tục chơi môn thể thao này.
Chỉ có duy nhất một người trả lời thư của cô. Đó là Power, người có tên ghi trên cây vợt của cô. "Giống như một điều kỳ diệu xảy đến với tôi", cô nói.
Tin tưởng vào người đàn ông mà con gái chưa biết gì nhiều, cha mẹ cô vét sạch số tiền họ có để mua cho cô vé máy bay một chiều đến Canada, nơi Power sinh sống. Chuyến bay khởi hành vào tháng 3/2011.
"Thú thực là tôi rất sợ. Tôi chẳng biết ai ở đó. Mà người ta thì chỉ biết rằng quê hương tôi là mảnh đất của khủng bố", Maria nói.
Nhờ sự huấn luyện của Power, Maria trở thành vận động viên bóng quần số một ở Pakistan và xếp hạng 48 trên thế giới. Mục tiêu của cô là trở thành nhà vô địch thế giới. "Điều đó sẽ xảy ra. Tôi tin vào khả năng của mình", Maria tự tin nói.
Cô đang ở với bố mẹ nuôi, nhưng một ngày nào đó sẽ trở về Pakistan.
"Thượng đế muốn tôi giúp những người phụ nữ thoát khỏi bóng tối và bước ra ánh sáng. Ngài muốn tôi lên tiếng để thế giới biết về nỗi đau mà những người phụ nữ ở đó phải chịu đựng. Ngài đã ban cho tôi lòng can đảm và ý chí để không bao giờ từ bỏ", cô cho biết.

Nghị lực của cô bác sĩ trẻ cụt chân ở Trung Quốc

Bị mất hai chân sau tai nạn ôtô lúc 4 tuổi, Li Juhong đã vượt lên nghịch cảnh để trở thành bác sĩ và phục vụ ở trạm y tế làng suốt 15 năm qua.
 
Li Juhong, 37 tuổi, hiện sống và làm việc tại làng Wadian, ngoại ô thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc). Sau vụ tai nạn năm 1983 khiến cô mất đi hai chân, Li quyết tâm trở thành bác sĩ để giúp đỡ mọi người. 
 
 
Để có thể đi lại, cô bé Li ngày đó phải dùng đến hai chiếc ghế đẩu bằng gỗ. Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, đến năm 8 tuổi Li đã có thể di chuyển dễ dàng bằng hai chiếc ghế. 
 
 
Sau khi tốt nghiệp trường dạy nghề, Li Juhong quay về làm việc tại trạm y tế làng Wadian từ năm 2001 cho đến nay. 
 
 
Trong 15 năm đi khám và thăm bệnh cho dân làng, Li đã sử dụng tất cả 30 chiếc ghế đẩu. 
 
 
Ngoài hai chiếc ghế đẩu là bạn đồng hành, chồng của Li cũng thường xuyên cõng cô đi thăm bệnh nhân. 
 
 
"Tôi có nhiều bất lợi so với mọi người. Nhưng tôi vẫn luôn tự nhủ với bản thân rằng, ông trời sẽ giúp đỡ những ai biết cách tự giúp đỡ mình, và lấy đó làm động lực để tiến lên phía trước", Li chia sẻ. 
 
 
Li đã điều trị cho khoảng 6.000 ca bệnh trong suốt 15 năm qua.
 
 
Cậu con trai 12 tuổi của Li cho biết, bản thân rất được khích lệ bởi nghị lực sống của mẹ. Cậu bé cũng bày tỏ mong muốn được trở thành một bác sĩ khi trưởng thành.